Thực hiện theo kế hoạch công tác Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Xây dựng Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn liên quan về PCCC cho nhà và công trình phù hợp, nhất là trong việc tham mưu, đề xuất UBND thành phố quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng cho các dự án công trình, khu dân cư, chung cư…
Theo đó, Đà Nẵng sẽ không đề xuất phê duyệt quy hoạch, hay cấp giấy phép xây dựng các dự án, công trình khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Tăng cường kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng và chất lượng công trình, nhất là các nhà cao tầng tại khu dân cư, khu chung cư. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh dịch vụ không có giấy phép.
Bên cạnh đó tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án, công trình xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác xây dựng, kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng và chất lượng công trình, nhất là các nhà cao tầng, khu chung cư nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không nghiệm thu các dự án công trình xây dựng sai quy định.
Sẽ xử lý các trường hợp không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC đối với các loại hình nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu.
Đồng thời chỉ đạo các các quận, huyện tổng rà soát, đánh giá, phân loại các mức độ nguy hiểm của cơ sở ở khu dân cư, tuyến đường, trụ nước chữa cháy, hệ thống mạng lưới điện trên địa bàn khu dân cư trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn quản lý. Nhằm triển khai ngay các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư và chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ trên địa bàn quản lý.
Củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo quy định, phải xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC tại chỗ. Đầu tư trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành.
Ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong việc phối hợp với lực lượng dân phòng bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại địa phương.
Triển khai huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, học tập, thực tập phương án chữa cháy. Hằng năm 100% khu dân cư phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Đối với các khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao cần phải phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức thực tập phương án có huy động nhiều lực lượng, mỗi năm 01 lần.
Rà soát toàn bộ quy hoạch khu dân cư, đô thị, quy hoạch giải tỏa đền bù chỉnh trang đô thị thuộc địa bàn quản lý, trên cơ sở đó có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy. Rà soát, bổ sung các điểm tiếp nước cho xe chữa cháy; xây dựng trụ nước chữa cháy trong kiệt, hẻm ở các khu đô thị là những vị trí xe chữa cháy không thể tiếp cận được.
Ngoài ra phải giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, xây cột mốc, dựng rào chắn cản trở phương tiện giao thông trên các tuyến đường vào khu dân cư, câu móc đường dây điện, viễn thông không đảm bảo quy định.
Trong quá trình phê duyệt, cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ nhà liền kề, nhà ở liền kế mặt phố… cần tính toán đến vấn đề quy hoạch chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Kiểm soát việc thực hiện cấp phép xây dựng nhà ở theo đúng quy định.
Chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện ngay các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, tập trung tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại khu dân cư. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư cho chính quyền các cấp, Sở, ban, ngành và quần chúng nhân dân.
Lãnh đạo các quận, huyện phải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố tại khu dân cư, phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra.